Thứ Hai, 30 tháng 7, 2018

Người trẻ thất nghiệp nhiều: Làm việc lẹt đẹt, 6 năm ra trường lương chỉ 10 triệu, tại sao không nghỉ để chạy theo đam mê và sở trường?

Filled under: ,

Công thức chống thất nghiệp tóm lại là: Phải biết mình muốn gì, đối chiếu xem bản thân có phù hợp không, chọn được công việc phù hợp nhất, học thật tập trung vào kiến thức sẽ ứng dụng được cho công việc đã chọn, trở thành siêu sao và ai cũng muốn tuyển.

Người trẻ thất nghiệp nhiều: Làm việc lẹt đẹt, 6 năm ra trường lương chỉ 10 triệu, tại sao không nghỉ để chạy theo đam mê và sở trường?
Tuyển nhân viên cho mình, tuyển nhân viên cho bạn, tuyển nhân viên cho đối tác và nói chuyện với không dưới 500 sếp, lớn có nhỏ có trong gần 5 năm, cuối cùng tôi cũng hiểu được tại sao giới trẻ thất nghiệp nhiều. Chúng ta sẽ bắt đầu từ nguyên nhân đầu tiên:
1. Không thực sự biết mình muốn gì
Khi đặt câu hỏi "Em muốn gì bây giờ và 2 năm tới ?", rất nhiều em ú ớ không trả lời được hoặc bắt chước câu trả lời rập khuôn từ mấy tài liệu hay các khoá học vượt qua phỏng vấn, thường thì "Em muốn trở thành nhân viên giỏi, sau đó là manager".
Câu trả lời này rất chung chung, chẳng thể hiện được gì và đã được các anh/chị dùng cách đây chục năm rồi nên gần như không có tác dụng như cây đũa thần nữa. Thế là bị 'out' mà không hiểu tại sao. Việc ú ớ không trả lời được hoặc trả lời theo sách vở chứng minh rằng các em bị mất định hướng trầm trọng và đang đi xin việc để chống thất nghiệp, thế là bị mất lợi thế khi phỏng vấn và đàm phán lương ngay.
Các em bị nhà tuyển dụng "bắt thóp" rồi, các em có biết không? Ai có tâm và thương thì nhiệt tình chỉ dẫn để các em hình dung rõ hơn các em cần làm gì tiếp theo, nhưng đa phần chẳng ai kịp nói vì quá bận.
Khi hỏi sâu hơn, tôi phát hiện ra phần lớn các em bị mất định hướng là do cha mẹ chứ bản thân các em có lỗi rất ít trong chuyện này. Cha mẹ Việt Nam bắt các em sống với đam mê của họ chứ không phải của các em. Những gì họ làm không được, họ bắt các em thực hiện thay. Dang dở giấc mơ làm bác sĩ, các bậc phụ huynh bắt con mình phải học ngành Y và dập tắt ước mơ làm hoạ sĩ, vì kiếm không được nhiều tiền nên họ bắt con phải theo học Kinh tế thay vì để đứa nhỏ theo ngành Thú y như nó muốn...
Một số bậc phụ huynh không rơi vào trường hợp này thì lại nói đến chuyện sĩ diện. Vừa nghe đứa con nói thích làm đầu bếp thì "bóp cổ chặn họng" ngay: "Nghĩ cái gì mà chọn nghề đó, ăn học 12 năm rồi phải làm kỹ sư, bác sĩ mới được chứ". Thế là xong, các em phải học cái mình không thích tí nào, đâm ra chán ghét bất mãn.
Người trẻ thất nghiệp nhiều: Làm việc lẹt đẹt, 6 năm ra trường lương chỉ 10 triệu, tại sao không nghỉ để chạy theo đam mê và sở trường? - Ảnh 1.
Với thái độ như vậy, các em học cho xong để ra trường, hoàn toàn không có mục tiêu thì lấy gì làm được việc. Chưa kể vì lỡ học ngành đó rồi nên rơi vào cái bẫy tư duy là "Học gì phải làm đó" nếu không uổng công mấy năm trời.
Khi không có định hướng, hàng loạt hệ luỵ sẽ theo phía sau. Hoặc là các em sẽ không học gì hết, làm loạn khi được "sổ lồng", ăn chơi xả láng nên ra trường không được hoặc ra trường mà không biết gì, thế là thất nghiệp. Hoặc là các em cố học, học một cách không có định hướng chỉ để lấy điểm thay vì học một cách tập trung vào những môn có thể ứng dụng được.
Các em thuộc nhóm này bị cuốn vào suy nghĩ "Có bằng đỏ sẽ có việc làm lương cao" thế là ra trường với tư duy là mình "ngon" lắm, phải là ông này bà kia, kết quả là không ai nhận. Tỉnh lại đi các em, nhà tuyển dụng không quan tâm cái bằng, họ trả lương cho người làm được việc.
Các em thuộc nhóm này thường bị "ru ngủ" rằng "Học đi, không bổ dọc cũng bổ ngang", "Không ứng dụng được nhưng giúp nâng cao khả năng phân tích"... Trong khi đó thực tế không phải vậy. Kiến thức không dùng được thì nên vứt đi để dành cái đầu cho kiến thức dùng được. Các em hình dung thế này, đầu các em chỉ chứa được 10 kg kiến thức. Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu so sánh một cái đầu chứa 9 kg kiến thức không dùng được + 1 kg kiến thức dùng được, còn 1 cái đầu chứa 10 kiến thức dùng được ngay?
9/10 các em nhân viên mới ra trường không có khả năng phân tích, cái gì không biết là chạy vào hỏi sếp ngay "Cái này làm sao anh?", "Em chờ ý kiến của chị mới dám làm" thay vì động não cho ra giải pháp trước là một bằng chứng rất rõ ràng.
Người trẻ thất nghiệp nhiều: Làm việc lẹt đẹt, 6 năm ra trường lương chỉ 10 triệu, tại sao không nghỉ để chạy theo đam mê và sở trường? - Ảnh 2.
Vậy nên hãy xác định mình thật sự muốn cái gì, các em sẽ biết mình nên học cái gì một cách tập trung để bổ sung kiến thức. Đảm bảo khi tập trung học đúng kiến thức thực tiễn sau 3 tháng các em sẽ rất khác và không thất nghiệp nữa vì đã hoàn toàn đủ năng lực cơ bản để tìm việc.Ví dụ, nếu muốn làm sales thì học kỹ năng giao tiếp và trình bày, học cách xây dựng mạng lưới mối quan hệ, học quy trình bán hàng, học cách lập kế hoạch, học viết lách, học cách ăn mặc cho đẹp và chuyên nghiệp. Muốn làm kế toán thì phải giỏi excel, phân tích tài chính. Giỏi các môn dùng được ngay trong nghề nghiệp mình muốn làm thì ai mà không tuyển.

"EM VẪN CHƯA BIẾT MÌNH MUỐN GÌ?"
Vậy thì đừng nằm nhà nữa, ra ngoài làm tùm lum tùm la đi, không lương cũng được. Làm cỡ chục món là biết ngay bản thân mình thật sự thích cái gì. Đằng nào cũng đang thất nghiệp, đằng nào cũng không có lương thì cớ gì ngồi đó trả treo "Không lương thì không làm, bị bóc lột". 
Các em làm để khám phá xem mình thật sự thích cái gì, làm một cách có kế hoạch và làm cho các em. Nếu vẫn còn tư duy đó thì thất nghiệp dài dài. Hãy xem những ngày làm không công là đầu tư cho tương lai chứ không phải chi phí thì mới đúng. Nếu muốn làm kỹ sư xây dựng, hãy thử đi phụ hồ; nếu muốn làm kinh doanh thì thử đi làm nhân viên bán hàng; nếu muốn làm đầu bếp hãy xin một chân phục vụ. Đừng coi công việc nào là thấp kém, đừng sĩ diện nữa, lớn đầu mà thất nghiệp và ăn bám thì mới đáng trách.
2. Không biết mình là ai
Người trẻ thất nghiệp nhiều: Làm việc lẹt đẹt, 6 năm ra trường lương chỉ 10 triệu, tại sao không nghỉ để chạy theo đam mê và sở trường? - Ảnh 3.
Biết mình muốn cái gì là một chuyện, nhưng bản thân có tố chất phù hợp hay không lại là câu chuyện khác. Các em muốn làm ca sĩ nhưng lại không có khả năng cảm âm, luôn cất giọng với nốt nhạc thứ 8 (nhạc lý chỉ có 7 nốt nhạc), hát không bao giờ đúng tông thì thôi đừng cố chấp với cái sở thích của mình nữa; không ai "lăng xê" nổi đâu.
Các em là người không dám mạo hiểm, rất cẩn thận và cầu toàn vượt mong đợi thì đừng chọn nghề bán hàng. Các em sẽ thất bại rồi lại tự ti hơn, nghề của các em là kế toán, tài chính, kỹ sư đo lường chất lượng... và những nghề đòi hỏi đúng những tố chất các em đang có. Khi các em làm những công việc này, các em trở thành "siêu sao" ngay.
Đừng cố chấp và miễn cưỡng ép mình làm cái không có khả năng vì con khỉ không thể bơi nhanh như con cá và con cá sẽ không thể leo trèo như con khỉ. Đặt bản thân sai vị trí và sở trường thì chính các em đang phí phạm tài năng của mình rồi. Và cũng chẳng có nhà tuyển dụng nào mạo hiểm tuyển người không có năng lực dù thái độ có tốt mấy.
"NHƯNG EM THÍCH ÂM NHẠC VÀ THỂ THAO, KHÔNG LẼ BẮT EM BỎ, SAO MÂU THUẪN VỚI NGUYÊN NHÂN MỘT VẬY?"
Nếu có chất giọng không tốt thì các em có thể chọn tham gia các nhóm bè hoặc chuyển sang chơi nhạc cụ chứ đâu bảo các em bỏ nghề hoàn toàn. Nếu các em không khéo léo mà đam mê thể thao thì đừng chơi mấy môn quá cần sự khéo léo, chọn tập gym và trở thành vận động viên thể hình, há chẳng tốt hơn sao. Khi cái các em muốn "khớp" với những tố chất các em có, các em sẽ trở nên vụt sáng.
3. Biết bản thân muốn gì, biết mình là ai nhưng không dám hành động vì tiếc và sợ
Người trẻ thất nghiệp nhiều: Làm việc lẹt đẹt, 6 năm ra trường lương chỉ 10 triệu, tại sao không nghỉ để chạy theo đam mê và sở trường? - Ảnh 4.
Các em tiếc cái bằng, các em tiếc công sức học và đi làm mấy năm cộng lại cũng gần được một chục năm, các em tiếc tiền học phí, nhưng các em không biết quý tiếc tương lai. Cái các em mất trong mấy chục năm sắp tới sẽ lớn gấp nhiều lần so với các em đang tiếc hiện tại.
Tôi sẽ quy ra tiền cho dễ hình dung. Các em làm không đúng sở trường, các em làm cái mình không thích nên hiệu suất thấp và các em làm nhân viên lẹt đẹt sau khi ra trường 6 năm với mức lương tối đa là 10 triệu (không ai sẵn sàng trả cho đứa làm việc lẹt đẹt hơn 10 triệu đâu). Mỗi năm tăng lương 10%, 5 năm sau lương các em chưa tới 15 triệu.
Các em chấp nhận bỏ và làm lại từ đầu với mức lương 6 triệu, làm đúng đam mê và sở trường, 5 năm sau vị trí tối thiểu là quản lý cấp trung với mức lương ít nhất là 20 triệu và sẽ tăng theo cấp số nhân. Giờ thì cái nào mới đáng tiếc hơn? Nhìn xa hơn đi, các em sẽ lựa chọn đúng.
Các em sợ thay đổi ư? Ai cũng sợ. Không sao, có vài lần quyết định phải sợ hãi nhưng hãy can đảm bước đi sau đó để gặt được trái ngọt. Thế giới thuộc về những người can đảm. Tôi có một người bạn đã 35 tuổi nhưng thu nhập mỗi tháng không đến 5 triệu chỉ vì SỢ. Sợ người này nói, sợ người kia nói, sợ không làm nổi và phải trả giá bằng cuộc sống chật vật. Các em mà cứ sợ, cứ không dám vượt qua dư luận thì bức tranh tương lai u ám đang chờ các em đó. Đọc bài này rồi mà vẫn không hành động rồi bị như vậy thì thật uổng công đọc.
Người trẻ thất nghiệp nhiều: Làm việc lẹt đẹt, 6 năm ra trường lương chỉ 10 triệu, tại sao không nghỉ để chạy theo đam mê và sở trường? - Ảnh 5.
Công thức chống thất nghiệp tóm lại là: Phải biết mình muốn gì, đối chiếu xem bản thân có phù hợp không, chọn được công việc phù hợp nhất, học thật tập trung vào kiến thức sẽ ứng dụng được cho công việc đã chọn, trở thành siêu sao và ai cũng muốn tuyển.
Để ứng dụng tốt công thức này cần có thái độ can đảm, quyết đoán, dám vượt qua dư luận, dám làm.
Tâm lý nhà tuyển dụng: Thuê người làm được chứ không thuê cái bằng và mấy đứa "ngập ngụa" kiến thức không dùng được, chỉ dành để "chém gió".
*Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, được trích từ YBOX.VN |Youth Confession.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét